Không gian công cộng là thước đo thành phố sống tốt và sáng tạo
Sông Sài Gòn – Ảnh: KTS Huỳnh Tiến Thức
Làm thế nào để nâng cao lợi ích của xã hội dân sự trong toàn cầu hóa và đô thị hóa? Ta có thể nhận thấy ngay lợi ích đó ở trong KGCC của thành phố – Đó là không gian dân sự, là nơi mở rộng giao tiếp cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống đô thị để thành phố sống tốt.
Theo Mike Douglass: Các thành tố của một thành phố sống tốt bao gồm: (1) Sự phát triển của cá nhân thuận lợi, về sinh kế mọi người có việc làm, không bị thất nghiệp, có sức khỏe tốt, giáo dục được phổ cập, an toàn, an ninh và an sinh xã hội tốt; (2) Môi trường sống tốt: Không khí, đất, nước đều sạch, môi trường lành mạnh, chất thải rắn được thu gom tốt, không có các khu nhà ổ chuột; (3) Đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng: Cộng đồng năng động, quản trị đô thị có sự tham gia của dân cư, tập quán và tiện nghi văn hóa, cộng đồng và KGCC được gắn với không gian chung của thành phố.
Có thể nói đời sống văn hóa, xã hội và cộng đồng là thế giới sống trong KGCC. KGCC có nhiều giá trị đặc biệt: Về chính trị, đó là nơi mọi người có thể tập hợp thể hiện ý chí chung như bảo vệ môi trường, chống các tệ nạn xã hội; về kinh tế – xã hội, nó thể hiện nền tảng của hệ thống dịch vụ nuôi dưỡng sự vận động của toàn thành phố; về văn hóa, nó là nền tảng cho các hoạt động của cộng đồng giúp gia tăng sự gắn kết giữa người với người và tạo ra nét đặc trưng của thành phố. Do vậy có thể nói, chính KGCC quyết định chất lượng sống đô thị, là thước đo thành phố sống tốt.
Không gian công cộng và thành phố sáng tạo
Kinh nghiệm phát triển của Singapore cho thấy: “Các thành phố trên thế giới đang phải vật lộn với các thách thức đô thị phức hợp, đòi hỏi phải thúc đẩy những nỗ lực nhằm tìm kiếm các giải pháp đô thị sáng tạo để hóa giải các thách thức”. Theo Laundry và Bianchini: “Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội, không chỉ ưu tiên tầng lớp sáng tạo, mà còn biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, để từ đó xây dựng nên bản sắc riêng biệt và độc đáo… Hướng tới lợi ích cho mọi người, thách thức của thành phố sáng tạo là dung hòa được các loại sáng kiến khác nhau, coi những gì tưởng như là đối lập và cần loại bỏ là môt phần của tổng thể”. Theo Jane Jacobs: “Một thành phố sáng tạo cần có sự đa dạng của 3 yếu tố: Không gian xây dựng, kiến trúc, các mối quan hệ, tương tác xã hội và kinh tế với sự phong phú cả về quy mô và hoạt động kinh tế”. Quảng bá và truyền thông là một nét đặc trưng của thành phố sáng tạo. Để biến thành phố trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút đầu tư nước ngoài, mỗi quốc gia trên thế giới đều cải thiện và nâng cấp hình ảnh của các thành phố. Do vậy KGCC, bộ mặt chính của thành phố là nơi phải được chú trọng.
Tiếp cận từ góc độ không gian, KGCC nói chung bao gồm cả không gian giao thông và vỉa hè, tuy không phải là KGCC chính thức. Như vậy, phố xá, vỉa hè, công viên, quảng trường mặt nước đều thuộc KGCC. Nếu đường phố trông có vẻ thú vị thì thành phố cũng thú vị, ngược lại nếu buồn tẻ thì thành phố cũng tẻ ngắt. Đường trong thành phố phục vụ nhiều mục đích hơn việc chỉ lưu thông xe cộ, và vỉa hè phần dành cho người đi bộ thì phục vụ nhiều mục đích hơn là việc đi lại của khách bộ hành. Jane Jacobs phản đối việc áp đặt các chính sách để loại bỏ những hoạt động bị coi là không phù hợp với sự phát triển, vì nó ảnh hưởng tới sự đa dạng vốn có của đô thị. Tất cả các hoạt động đang tồn tại trên một con phố, dù lộn xộn vẫn tạo nên bản “ballet đường phố”. Và đó là nét cần thiết để tạo ra một thành phố sáng tạo đúng nghĩa.
Thành phố sáng tạo là nơi mà nguồn tài nguyên của nó là tính sáng tạo của cư dân. Loại nguyên liệu này sẽ tác động làm thay đổi những ngành kinh tế sẵn có, tạo ra những loại hình mới. Tầng lớp sáng tạo bao gồm những người làm việc với mục đích tạo ra những hình tháí mới có ý nghĩa. Đặc trưng của thành phố sáng tạo là 3T: Technology/ Công nghệ, Talent /Tài năng và Tolerence/Khoan dung, do vậy cần có KGCC để giữ chân và thu hút những người tài.
TPHCM: Từ KGCC hướng đến thành phố sống tốt và sáng tạo
Đường Nguyễn Huệ TP. HCM
Trên góc độ không gian đặc trưng của TPHCM, KGCC cũng có thể xem như sự xếp chồng của 3 lớp không gian chính quy và một lớp không gian không chính quy.
1. Lớp KGCC chính quy: Bao gồm trước tiên là lớp không gian xanh: Công viên, vườn dạo, vườn cộng đồng; lớp không gian dân sự: Quảng trường, phố đi bộ; lớp không gian mặt nước và bờ bao gồm hệ thống sông ngòi, kênh rạch và dải không gian dọc bờ. Lớp không gian mặt nước và bờ thông thường bao hàm trong lớp không gian xanh, nay đựợc tách ra thành lớp riêng vì Sài Gòn – TPHCM là “thành phố có đặc trưng sông nước – kênh rạch” nếu tách ra có thể đem lại cho không gian này chức năng được mở rộng hơn. Nhìn chung, ba lớp KGCC chính quy ở TPHCM hiện nay không tạo thành một mạng lưới hoàn chỉnh nên cũng hạn chế chất lượng sống đô thị và sự sáng tạo của TP này.
- Thứ nhất, mạng lưới KGCC không đạt yêu cầu về số lượng và diện tích, không đủ phục vụ cho sự phát triển dân số rất nhanh, phần lớn các KGCC hiện hữu đang xuống cấp và không được khai thác đúng mức như: Tình trạng bị xâm chiếm, cho thuê kinh doanh. Đặc biệt là sự thiếu vắng KGCC làm chỗ chơi cho trẻ em. Mặt khác, cũng có một khoảng cách lớn trong sự phân bố và sử dụng KGCC ở các tiểu vùng đô thị khác nhau trong thành phố. Trong khi KGCC ở khu trung tâm thành phố được đầu tư chăm sóc và được sử dụng nhiều với mật độ cao thì các không gian công cộng ở các khu vực khác đang xuống cấp nặng nề. Riêng ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, KGCC khá phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân và là nơi chốn hình thành cộng đồng nhân văn.
- Thứ hai, đó là sự thiếu vắng quảng trường trung tâm và phố đi bộ trong thành phố. Điều này đã dẫn tới sự kết nối lỏng lẻo giữa các KGCC và biến chúng thành những không gian rời rạc. Gần đây, thành phố đã xây dựng quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đối diện với trụ sở UBNDTP và đường Nguyễn Huệ, trở thành quảng trường nối dài và phố đi bộ. Trong tương lai không xa, khi xây hầm ở giao lộ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ, phố đi bộ có thể kéo dài tới công viên Bạch Đằng qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn tới công viên bờ sông Thủ Thiêm vào quảng trường trung tâm, nơi sẽ tổ chức các lễ hội, mít tinh, diễu hành. Hy vọng đây sẽ trở thành KGCC xứng tầm với TP mang tên Bác.
- Thứ ba là việc hưởng dụng mặt nước và bờ bị mờ nhạt do bờ thiết kế không hợp lý nên đã làm ngăn cách các hoạt động văn hóa xã hội gắn với mặt nước; mặt khác kênh rạch cũng còn bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng. Sau khi di dời Tân Cảng, nhà máy Ba Son và cảng Sài Gòn để phát triển các dự án cao ốc thì cần phải dành đất để làm công viên bờ sông phục vụ đời sống của cộng đồng. Phía Thủ Thiêm đối diện cũng sẽ xây dựng công viên bờ sông. Có thể nói, TPHCM là đô thị sông nước nên sự kết hợp giữa cây xanh và mặt nước để tạo nên dòng sông cảnh quan sinh thái bên trong thành phố (thành phố phát triển vượt sông) sẽ là cơ sở để nối dài và mở rộng vượt sông các “phố ven sông” từ trung tâm Q1, càng làm đậm nét hơn bản sắc văn hóa “đô thị sông nước”.
2. Lớp KGCC không chính quy: Trong khi những KGCC chính quy đã hiện rõ trong đời sống thị dân, một không gian phi chính quy trên thực tế đã được tồn tại từ trước, phát triển song song và cực kỳ phong phú. Thường những không gian này không được thiết kế và không có chức năng chính là KGCC như là các khu đất trống chưa được xây dựng, đường phố và vỉa hè. Đặc biệt là “vỉa hè”, nó không chỉ mang chức năng đi bộ mà còn tấp nập những quán cóc, những người ngồi thư giãn ngắm phố phường… Trên khắp các nẻo, góc nhỏ nhất của thành phố, KGCC được kết nối với không gian riêng tư bằng những vỉa hè như thế. Cuộc sống trên đường phố và hè phố chưa bao giờ nhàm chán và nó làm cho bộ mặt thành phố trở nên “sinh động” hơn. Trên cở sở khảo sát các vỉa hè tại 6 phường trung tâm ở TPHCM, TS Annette Kim, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho rằng: “Không gian đô thị sống động của TPHCM có thể có nhiều điều cho thế giới học hỏi. Chính những vỉa hè khiêm nhường mới là KGCC quan trọng nhất, nơi mà mọi người sử dụng gặp gỡ tương tác với nhau hàng ngày. Vỉa hè cũng là nơi giúp rất nhiều người kiếm sống, đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội”. Ta tìm thấy ở vỉa hè TP HCM bình dị những phẩm chất để tạo nên một đô thị sống tốt”. Hiện nay ở TPHCM vỉa hè, không gian công cộng không chính quy lại chính là nơi diễn ra các hoạt động của nền “kinh tế không chính thức”, để nâng cao chất lượng sống cho người nghèo đô thị, người nhập cư. Còn TS Susan & TS Norman Fainstein (Mỹ) thì cho rằng:“Ở TPHCM trên phố có nhiều hoạt động, điều đó là rất tốt. Nhưng điều quan trọng là duy trì được nếp sống đó cùng lúc chấp nhận những đầu tư để kinh tế phát triển và cải thiện nó để không hủy hoại thành phố. Những đường phố (có nhiều hoạt động như thế này) là những phố làm cho thành phố trở nên thú vị khiến mọi người muốn sống ở đó”.
Để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy các chiều kích tăng trưởng, hướng đến phát triển đô thị sáng tạo, TPHCM đã khởi đầu từ khu công nghệ cao Quận 9. Khu công nghệ cao TPHCM (Quận 9) lớn hàng đầu của cả nước (diện tích khoảng 700 ha) phải là một cực tăng trưởng của TPHCM và cả của Vùng, nơi đây sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của cả vùng và trở thành Thung lũng Silicon của Việt Nam.
Chiến lược phát triển đô thị sáng tạo ở TPHCM phải là xây dựng đô thị thông minh và xanh, trong đó có các KGCC có chất lượng. Có thể nói, giữ gìn và phát triển KGCC đô thị là một vấn đề quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới chất lượng cuộc sống, tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. KGCC còn là yếu tố tạo nên “nét độc đáo và bản sắc” của một thành phố, là yếu tố nối kết cộng đồng và làm cho người dân gắn bó với thành phố, với nơi ở của mình hơn. Do vậy thành phố sẽ có sức hấp dẫn, lưu giữ và thu hút được người tài ,cùng với tài trí của cộng đồng, thành phố sẽ trở nên sáng tạo hơn.
Tin tức khác
Tin tức
- Đang truy cập 1
- Trong ngày 4
- Hôm qua 33
- Tổng truy cập 91828